Trang chủ » Tin tức

Sốt đất có xảy ra sau Tết Nguyên đán như kịch bản một năm trước?

(2022-02-08 08:42:15)
Năm 2021, "sốt đất" đã trở thành từ khoá chiếm sóng thị trường bất động sản ngay thời điểm sau Tết Nguyên đán. Mức giá tăng 50-150% cục bộ tại nhiều địa phương là kịch bản đã xảy ra mà trước đó chưa từng được dự báo. Liệu rằng sau Tết Nguyên đán 2022, kịch bản sốt đất có lặp lại?

Nhìn lại cơn sốt đất sau Tết Nguyên đán 2021
 

Giới chuyên gia, nhà đầu tư đã từng đưa ra dự báo rất thận trọng về thị trường bất động sản đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh còn là biến số khó lường. Ngay sau Tết Nguyên đán, sự bùng phát dịch ở một số tỉnh điển hình như Hải Dương khiến tâm lý của giới đầu tư có phần e dè. Thế nhưng, chỉ ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thị trường "bùng nổ" như lò xo bị nén. Và "sốt đất" trở thành từ khoá chiếm sóng trên thị trường địa ốc.
 
Cơn sốt đất ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 không thể không nhắc tới là Bình Phước. Với thông tin dự án sân bay lưỡng dụng tại Hớn Quản xuất hiện, giá đất tại một số khu vực tăng gấp 3, thậm chí có thời điểm tăng hơn 5 lần. Các xã An Khương, An Phú, Đồng Nơ, Minh Tâm rộn ràng với thông tin giá đất nông nghiệp tăng mạnh. 
 
Tại phía Bắc, "sốt đất" cũng nổ ra tại các tỉnh như vùng ven Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Cần Thơ…
 

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng đến mức chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Các dự án đang phát triển thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia bởi khả năng sinh lời cao, đặc biệt là đất ven khu công nghiệp.
 
Báo cáo VARs ghi nhận, tại TP. Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng, thị trường rất sôi động. Ven 4 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu được coi là điểm nóng của thị trường, giá dao động 25-40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50-70% so với cuối năm 2020.
 
Trong khi đó, tại Hải Phòng, vùng ven thành phố cũng ghi nhận giá tăng chóng mặt. Mức giá khảo sát tháng 3/2021 dao động 8-15 triệu đồng/m2, tăng trung bình 60-70% so với cuối năm 2020. 
 
Ở Thanh Hóa, sau Tết Nguyên đán, giá đất tại hầu khắp địa phương đều tăng đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn.
 
Cơn sốt đất đã kéo theo nhiều người dân bỏ việc lao vào đầu tư. Nguyên nhân của cơn sốt đất sau Tết Nguyên đán đến từ tâm lý của các nhà đầu tư trở nên lạc quan khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Mặt khác, việc công bố thông tin quy hoạch chưa rõ ràng từ chính quyền sở tại đã vô tình trở thành "tin tốt" để đội ngũ môi giới và cò mồi đẩy giá bất động sản lên. Mặt khác, lo ngại về sự biến động của nền kinh tế khiến dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản, coi đây là kênh tích trữ tiền an toàn.
 
Sốt đất có lặp lại sau Tết Nguyên đán 2022?
 
Nhìn lại bối cảnh của thị trường bất động sản hiện tại, dù còn tâm lý lo ngại song rõ ràng, các nhà đầu tư đang lạc quan hơn bởi chính sách tiêm vaccine đã phủ rộng. Chính sách kích cầu nền kinh tế và động thái đẩy mạnh hoạt động đầu tư công trong năm 2022 là tín hiệu có thể tạo nên cơn sốt đất mới sau Tết Nguyên đán.
 
Cũng theo nhiều nhà đầu tư, diễn biến của thị trường địa ốc là điều khó đoán định. Như cách đây 1 năm, khi nhiều người nghĩ bất động sản gặp khó vì dịch bệnh thì trái lại, thị trường ghi nhận những cơn sốt, những lần mở bán cháy hàng.
 
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, một kịch bản thận trọng vẫn được đặt ra. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam thẳng thắn cho rằng, kịch bản sốt đất sau Tết Nguyên đán khó xảy ra dù thị trường trước đó đã ghi nhận dấu hiệu rất tích cực. Theo ông Hoàng, hiện tại, nhà đầu tư rất thận trọng và quan sát kỹ, không còn tâm lý chạy theo đám đông. 
 
Sốt đất trên diện rộng và sôi động sẽ hầu như không có. Sốt đất ảo sẽ chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài nơi do thông tin sai lệch được tung ra tạo sóng. Tuy nhiên, những cơn sốt đất này sẽ đến rất nhanh và xẹp đi cũng rất nhanh, thông thường chỉ khoảng 7-10 ngày. 
 
Ông Hoàng cũng cho rằng, chính sách kiểm soát của cơ quan chức năng, địa phương trên thị trường này cũng tác động đến sức mua, giảm khả năng xảy ra sốt đất. Những khu vực được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông, nơi chuyển đổi đô thị thì mới được các nhà đầu tư có sự quan tâm nhiều hơn chứ thị trường bất động sản không thể trở thành sốt đất như những năm từ 2018 trở về trước.

Các tin khác