Trang chủ » Tin tức

Vì sao các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động?

(2022-05-31 07:51:03)

Ngay cả ngân hàng trước đây neo lãi suất rất thấp, thấp hơn cả nhóm Big4, thì giờ đây cũng đã có động thái nhập cuộc hút tiền gửi với lãi suất cạnh tranh.

Vì sao các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động?

Lãi suất huy động dần thiết lập mặt bằng mới

Theo cập nhật tại nhiều ngân hàng thời điểm cuối tháng 5, lãi suất huy động đã tăng từ 0,1-0,45 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Một số gương mặt nổi bật có thể kể đến như:

Techcombank tăng 0,3%/năm cho tiền gửi tại quầy kỳ hạn 36 tháng. Một số kỳ hạn khác cũng được cộng từ 0,3-0,45 điểm %. Đây là một trong những lần điều chỉnh lãi suất mạnh nhất của Techcombank trong hơn nửa năm trở lại đây. Trong các lần trước, Techcombank thường chỉ tăng/giảm nhẹ lãi suất, khoảng 0,1-0,2 điểm %. Hiện lãi suất cao nhất ở Techcombank là 6,5%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này còn cộng lãi suất tới 0,5%/năm cho các khách hàng có khoản tiền gửi đầu tiên tại Techcombank. 

Tại kỳ hạn 36 tháng, 13 tháng và 24 tháng, khi gửi số tiền dưới 300 triệu, lãi suất huy động của VPBank cũng đã tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước, lên mức 6,4%/năm. Nếu là khách hàng VIP, ngân hàng áp dụng mức cộng thêm từ 0,3 - 0,5%/năm cho các kỳ hạn 6 tháng trở lên, tùy số tiền gửi. Hiện mức lãi suất cao nhất ở VPBank là 6,9%/năm và yêu cầu số tiền gửi cao vài trăm tỷ. 

Trước đó, từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5 cũng có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất để hút tiền gửi,…So với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất đã tăng khoảng 0,5-1%/năm, mức lãi suất trên 7%/năm đã không còn hiếm ở thời điểm hiện nay, mà xuất hiện ở nhiều loạt ngân hàng SCB, NamABank, VietCapital Bank, VietABank, VietBank,…

Vì sao lãi suất tiền gửi tăng?

Phân tích về diễn biến thị trường, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô với các diễn biến về cung cầu hàng hóa, chiến sự ở Ukraine, trạng thái giãn cách kéo dài do dịch bệnh Covid tại Trung quốc và sự tăng lên của lãi suất USD đã tạo áp lực đẩy chi phí sản xuất kinh doanh và giá cả, lạm phát trong nước tăng lên. 

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức khá của hệ thống NHTM những tháng cuối năm 2021, đầu 2022, cao hơn tốc độ tăng trường huy động vốn đã tác động nhất định lên nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trên các thị trường vừa mới chỉ phần nào quay trở lại hệ thống ngân hàng.

"Những diễn biến này dẫn đến lãi suất tiền gửi NHTM có tăng ở mức độ khác nhau  tùy theo đặc điểm của mỗi NHTM về nguồn tiền gửi và dư nợ tín dụng. Tuy nhiên có điểm chung là các NHTM đều hướng đến ưu đãi nhiều hơn cho giao dịch trực tuyến hoặc trên kênh ngân hàng số của mình để tận dụng các ưu thế của số hóa, đồng thời giảm được chi phí hoạt động trên mỗi giao dịch, nhất là với các giao dịch gửi tiền quy mô không lớn" - ông Ngô Quang Trung nói.

Ở góc nhìn chuyên gia độc lập, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong thời gian Covid-19 bùng phát, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp có sự sụt giảm. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước cũng có yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi vay để từ đó hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì cắt giảm đầu ra nên các nhà băng cũng đã phải đi kèm với cắt giảm đầu vào. Điều này đã làm cho một bộ phận vốn tương đối lớn tìm đến một kênh sinh lời hấp dẫn hơn. Cụ thể, dòng vốn đã chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Hai ngành nghề này cũng vì thế mà nóng lên thời gian qua. Lượng tiền gửi vào các ngân hàng theo đó mà cũng giảm đi rất mạnh.

Cuối năm 2021 đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm ở khu vực ngân hàng chỉ bằng 1 nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế và nó vẫn duy trì đà giảm. Ngay từ cuối năm ngoái đã có rất nhiều ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động. Đến đầu năm nay, hầu hết các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động tiết kiệm để tăng nguồn vốn phục vụ cho quá trình tăng trưởng tín dụng.

"Tín dụng từ đầu năm đến nay đã tăng trưởng rất mạnh, hơn 6%. Nếu không tăng lãi suất huy động thì các ngân hàng không thể có nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh của xã hội.Việc tăng lãi suất tiết kiệm gần như là điều bắt buộc với hệ thống ngân hàng Câu chuyện các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm là điều đương nhiên" – Ông Thịnh cho biết.

Kỳ vọng của chuyên gia trong năm nay là lãi suất huy động sẽ vẫn tăng, song mức tăng là không quá lớn, dao động trong khoảng 0,5-1%.

Ở góc nhìn khác, theo ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng MBS, lãi suất huy động ngân hàng tăng một phần là do tác động của lạm phát. Một số NHTM đã phải tăng lãi suất huy động trong thời gian vừa qua để thu hút thêm dòng tiền từ khu vực dân cư và đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

"Mặc dù lãi suất huy động tăng lên nhưng nó vẫn thấp hơn đáng kể so với trước dịch. Do đó mà mức độ tác động của việc này lên thị trường tài chính là không nhiều", ông Tuấn cho biết.

Về tác động của việc tăng lãi suất huy động đến hệ thống ngân hàng, chuyên gia cũng chia sẻ, mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua có tăng nhẹ. Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện một số ngân hàng đang có tỷ lệ CASA rất cao. Điều này sẽ góp phần trung hòa các tác động từ việc tăng lãi suất huy động, giúp các ngân hàng duy trì được biên lợi nhuận tốt.

Nhiều đơn vị hiện cũng đang dự báo NIM các ngân hàng sẽ vẫn duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất huy động sẽ chỉ tăng nhẹ, một phần là nhờ có các chính sách hỗ trợ của chính phủ, phần khác là nhờ vào yếu tố tiền gửi không kỳ hạn CASA giúp hỗ trợ giảm giá thành đầu vào cho ngân hàng.

Các tin khác